Ensiferum trở lại… “From afar”

Ensiferum – một cái tên quá quen thuộc của folk/ Viking metal Phần Lan đã trở lại sau 2 năm miệt mài đi tour. Bản thân tôi cũng không hy vọng quá nhiều vào From afar vì kể từ khi Jari Maenpaa ra đi, Ensiferum đã không còn là Ensiferum mà tôi thấy trong “Ensiferum” hay “Iron“. “Victory songs” ra đời cách đây hai năm với sự thay đổi lớn trong đội hình ban nhạc khi Petri Lindroos của Norther vào thế chỗ của Jari, nếu có thể nói một cách khách quan thì cũng là một album nghe được. Với công thức quen thuộc sử dụng folk làm chủ đạo nhưng lại thiếu điểm nhấn, “Victory songs” khó có thể sánh được với “Ensiferum” hay “Iron” và quả thật Petri cũng chưa thể lấp được chỗ trống quá lớn khi Jari rời Ensiferum. Cũng đã tròn 1 tháng kể từ ngày đẹp nhất trong năm (09/09/2009), From afar chính thức ra mắt và tính ra tôi đã nghe album này được 5 lần trọn vẹn. Ngay khi nhìn danh sách credit thực hiện album này, tôi cũng đã có khá nhiều tò mò. Đội hình band ngoài những vị trí cố định từ album trước như Petri Lindroos (harsh vocals, guitar), Markus Toivonen (guitar, clean and backing vocals), Sami Hinkka (bass, clean and backing vocals), Janne Parviainen (drums) thì giờ Emmi Silvennoinen đã chính thức đảm nhận vị trí keyboardist của nhóm đồng thời là female backing vocal (thay vì Meiju Enho như trước đây). Thực hiện sản xuất album cũng chả phải là những cái tên xa lạ gì như Tero Kinnunnen (Nightwish), Janne Joutsenniemi và đặc biệt là Hiili Hiilesmaa (Amorphis, Apocaliptica, Sentenced,The 69 eyes) đảm nhận vị trí mixer, hứa hẹn là một album được đầu tư kỹ càng và “nuột”. Có thể khẳng định chắc chắn rằng ngay khi nghe xong một lượt album này, bất cứ ai cũng phải thốt lên một câu rằng: Ensiferum đã thay đổi.Thật là khập khiễng nếu so sánh From afar với Ensiferum hay Iron nhưng sẽ là hợp lý khi so sánh với Victory songs. Trong album này, Ensiferum vẫn giữ cho mình được chất folk vốn có nhưng không lạm dụng quá nhiều như ở Victory songs và kết hợp khéo léo với speed/power để cho ra 56’ không những giàu giai điệu, đầy chất melodic mà còn hừng hực âm hưởng bi tráng. Cũng phải thừa nhận một điều là khi nghe album này, phải thực sự tập trung và đầu tư thời gian hơn so với các album khác của Ensiferum vì đây là một epic album với độ dài hầu hết các track đã được tăng lên với hai track dài nhất album là Heathen throne (part 1,2) đều trên 10’. Sự thay đổi, hay nói chính xác là sự thử nghiệm này của band quả thật đòi hỏi sự trau chuốt và khéo léo trong từng câu nhạc , từng trường đoạn, từng cú riff để tránh đẩy người nghe vào sự nhàm chán, lê thê. Và may mắn thay, Ensiferum đã làm tốt.

Về phần vocal, có thể nhận thấy sự dày dặn rõ rệt của Petri Lindroos so với anh trong album Victory Songs. Có thể một phần do người nghe đã dần dần quen với vị trí của anh trong Ensiferum, nhưng phần nhiều theo tôi là do 2 năm đi tour cùng Ensiferum kể từ sau khi Victory songs ra đời với nhiều ý kiến trái chiều đã giúp cho Petri dần thay đổi theo hướng phù hợp nhất dòng nhạc mà Ensiferum theo đuổi. Một điểm không thể không nói tới ở vocal của album này đó là phần backing vocal. Cả Markus, Sami và Emmi Silvennoinen đều làm tốt vai trò clean backing vocals trong những track mang hơi hướng symphonic như From afar, Heathen Throne (part 1, 2) và Twilight Tavern.

Sau đây là cảm nhận riêng từng track trong album

1. By the diving stream: Track intro bao giờ cũng là một track giàu giai điệu và rất đẹp trong tất cả các album của Ensiferum. Acoustic guitar xen với keyboard rồi với folk instruments mở ra một không gian mênh mông cô quạnh. Câu nhạc lặp đi lặp lại đến nửa track rồi khẽ được đẩy lên rồi lại những giai điệu đó cứ kéo người nghe trôi đi. Cấu trúc của track intro này khá giống với Intro trong album đầu tay Ensiferum của band và cả hai đều rất đẹp. (Đánh giá:4.5/5)

2. From afar: Track với tên trùng với tên album bao giờ cũng là track được người nghe chú ý rất kỹ và bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Người nghe sau những giây phút sâu lắng với “By the diving stream” được đưa ngay tới với chiến trường của những chiến binh Viking với tiếng nhạc dồn dập liên tục. Track mở đầu với harsh vocal của Petri và sau đó chuyển sang phần chorus với sự kết hợp của Sami và Emmi với vai trò clean vocal trên nền guitar và drum chạy tốc độ thực sự đã tạo nên một bản tráng ca đậm chất Viking. Một điều đáng chú ý của track này nữa đó là đây là track duy nhất của album được chọn làm video (Ensiferum cực ít thực hiện video cho các bài hát của mình) nhưng theo cá nhân tôi thì video chưa đủ sức hấp dẫn và có phần hơi đơn điệu. (Đánh giá: 4.5/5)

3. Twilight Tavern: Đây có thể coi là track với những cú riff guitar tốt nhất trong album. Tempo được đẩy lên cực nhanh. Phần vocal là sự kết hợp tuyệt vời của Petri và clean backing vocals và đáng chú ý là Emmi khi cô cất giọng “Life is so short…Son of the north”. Emmi với chất giọng soprano khá trong trẻo và mềm mại có lẽ đã làm tốt hơn vocal nữ trong các album trước của band. Có lẽ đây cũng là lúc những chiến binh với quyết tâm chiến đấu lên cao nhất dù họ đang cận kề với cái chết vì họ tin rằng họ sẽ “find the peace at the end of the journey”. Đây là track có lyric rất ý nghĩa và là track tôi thích nhất album . (Đánh giá: 5/5).

4. Heathen Throne (part I): 11 phút, một độ dài đủ để làm tò mò người nghe. Track mở đầu với nhịp độ chậm hơn so với hai track trước đó nhưng không kém phần quằn quại với nỗi căm phẫn của những chàng chiến binh trẻ trước những chiến trường ngập tràn xác đồng đội. Để rồi họ biết rằng mình phải chiến đấu, như bản hùng ca trong sử thi Kalevala của xứ ngàn hồ: “Under the Northern star. We shed our blood. With the call of a battle horn.We raise our swords. Behind the fields of blood, There’s a haven for us.” Tone nhạc lúc này chuyển sang symphonic rồi sang folk một cách uyển chuyển rất phù hợp với ý tưởng của track. Một điểm đáng chú ý ở track này là phần solo đánh chắc tay làm cho 11 phút không hề nhàm chán. (Đánh giá:4.5/5).

5. Elusive reaches: Track này đúng là một track tiêu biểu theo phong cách phổ biến của những band melodeath Bắc Âu. Với một độ dài vừa phải, đây là một track nghe được tuy nhiên không có gì quá đặc sắc. (Đánh giá:4/5).

6. Stone cold metal: Một track khá thú vị và giàu âm điệu trong album nhưng lại là track mà tôi không thích nhất. Dường như track được chia ra hai phần khá rõ rệt, phần nửa đầu của track thì khá hay thì nửa sau có phần hơi thiếu phù hợp. Nửa sau của track bất đầu từ khi tiếng huýt sáo vang lên rồi nhạc chìm dần dễ làm người ta lien tưởng đến âm hưởng trong những ca khúc cao bồi miền Tây. Có thể đây cũng là một thử nghiệm của Ensiferum nhưng sự thử nghiệm này dường như hơi “vui tươi thái quá”! (Đánh giá: 3.5/5).

7. Smoking ruins: Sau những track đầy tốc độ, track này lại quay trở về với công thức quen thuộc với folk-heroic power-folk, giống như rất nhiều ca khúc khác của Ensiferum. Công thức này là phù hợp với nội dung tự sự của track, mở đầu với những dòng tự sự của một đứa con Viking bỏ nhà ra đi từ sớm rồi đến những phút giây thức tỉnh để nỗi nhớ quê hương da diết ùa về và cuối cùng dậy lên trong mình những quyết tâm chiến đấu. (Đánh giá:4/5).

8. Tumman Virran Taa: Track tiếng Phần Lan duy nhất trong album, cũng là track ngắn nhất. Đây là một track rất thú vị, chủ yếu là tiếng dàn vocal cất lên trong chưa đầy 1 phút, tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng instruments ở đây. Nhưng không vì thế mà track mất đi giai điệu, vẫn tràn đầy hào khí như tinh thần những chiến binh đang chuẩn bị bước vào những trận chiến mới. (Đánh giá:4/5).

9. Heathen Throne II (The longest journey): Đúng như cái tên của track, đây là track dài nhất và hẳn là Ensiferum đặt rất nhiều tâm huyết vào track kết thúc này. Ta sẽ thấy lại giai điệu của track 8 nhưng ở track này là sự lên tiếng của instruments, thay vì dàn vocal như ở trên. Sự “hoành tráng” vẫn được duy trì đến tận 2/3 track. Có một điều tôi chưa hài long ở track này đó là phần 4 phút cuối cùng của track dường như là khúc vĩ thanh hơi lê thê. Có thể lý giải được ý tưởng của Ensiferum với 4 phút này để nói lên chặng đường chiến đấu phía trước còn mênh mông, vô tận nhưng 4 phút mà chỉ đơn thuần lặp lại giai điệu thì là hơi thừa. Thế nên track này tôi đánh giá không cao bằng Heathen Throne I, tuy nhiên đây vẫn là một track thú vị hơn và đáng nhớ hơn so với Victory songs trong album trước của Ensiferum. Đánh giá:4/5. Đánh giá toàn album:4/5..

Như vậy, sau 2 năm chờ đợi, From afar hẳn sẽ không làm những ai yêu thích Viking/Folk metal thất vọng. Mặc dù vẫn chưa thế vượt qua được album đầu tay của band là Ensiferum nhưng so với Victory Songs thì album này có thể nói là làm tốt hơn rất nhiều với sự trưởng thành đáng kể từ vocal, music composition và thậm chí cả lyric. Hơn thế nữa, đây cũng là một album với những sự thử nghiệm mới mẻ của Ensiferum. Vì vậy bên cạnh một số điểm trừ nhỏ thì đây xứng đáng là một album mà những ai thích Viking/Melodic Death khó có thể bỏ qua trong năm nay.

Explore posts in the same categories: Rock

Leave a comment